​​QUAN HỆ  VIỆT NAM – HÀ LAN​:

I/ Quan hệ chính trị:

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Từ 1990, quan hệ hai nước đã đẩy mạnh. Ta và Hà Lan đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao:

Về phía Việt Nam: Phó Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hà Lan (1/1995); Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân thăm Hà Lan (10/2000); Thủ tướng Phan Văn Khải đi thăm Hà Lan và một số nước Tây Âu khác (tháng 10/2001); Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thăm làm việc tại Hà Lan trong chuyến thăm làm việc tại Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Bỉ (5 – 16/9/2008); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Hà Lan (19 – 20/9/2008); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát thăm Hà Lan (23 – 25/9/2008) . 

Về phía Hà Lan: Thủ tướng Hà Lan Wim Kok thăm Việt Nam (6/1995); Chủ tịch UB Đối ngoại Quốc hội Hà Lan thăm Việt Nam (1/2001); Hoàng thân Claus, phu quân của Nữ hoàng Béatrix đã đi thăm Việt Nam không chính thức vào năm 1993, dự kiến đi thăm và làm việc tại Việt Nam lần thứ 2 vào tháng 3/2000, nhưng sau đó đã hoãn vì lý do sức khoẻ; Bộ trưởng Ngoại giao Bernard Rudolf Bot dự Hội nghị ASEM 5 tại Việt Nam (tháng 10/2004); Thái tử Hà Lan Willem Alexander thăm làm việc tại Việt Nam với tư cách là nhà bảo trợ cho quan hệ đối tác nước toàn cầu, tìm hiểu về quản lý nước ven bờ, lưu vực sông và giảm nhẹ thiên tai (tháng 10/2005); Bộ trưởng Hợp tác phát triển Agnes van Argenne thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 9/2006); Bộ trưởng Thương mại Frank Heemskerk và Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bert Koenders thăm Việt Nam (16 – 20/3/2008).

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU, Hà Lan đã có đóng góp to lớn và tích cực hợp tác với Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội.

​II/ Hợp tác phát triển: 

Hà Lan có quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam từ những năm 70, thời kỳ đầu chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế.

Trước tháng 9/1999, viện trợ của Hà Lan chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế (chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dinh dưỡng, sức khoẻ sinh sản), giáo dục đại học, môi trường (cấp thoát nước, xử lý nước thải, quản lý dải ven biển, xử lý rác). Trong hoạt động hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, Hà Lan luôn duy trì Việt Nam trong danh sách các nước ưu tiên tiếp nhận tài trợ của Hà Lan. Kể từ năm 1999 đến nay, Việt Nam luôn nằm trong số 36 nước ưu tiên tài trợ của Hà Lan. Ngân sách tài trợ cho Việt Nam không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 2000 – 2005, Hà Lan cam kết tài trợ không hoàn lại bình quân khoảng 25 – 27 triệu euro/năm và giai đoạn 2006 – 2008, ngân sách cam kết bình quân 36 triệu euro/năm. Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác chủ yếu là: Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế, quản lý nguồn nước và các vấn đề có tính liên ngành như xoá đói giảm nghèo, giới và phát triển, quản lý nhà nước…

Tuy nhiên, gần đây Hà Lan đã xếp Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình trên thế giới và đang thay đổi chính sách viện trợ trong quan hệ với Việt Nam, theo đó, hợp tác phát triển tuy vẫn là một phần trong chính sách nhưng không còn được ưu tiên như trước đây.

​III/ Hợp tác kinh tế:

Ngoài phần viện trợ không hoàn lại, Việt Nam cũng nằm trong số các nước được tham gia các chương trình đặc biệt khác của Hà Lan như : ORET/MILIEV (Giao dịch xuất khẩu hỗ trợ phát triển chính thức) tài trợ 35-50% giá trị hợp đồng giữa các công ty Hà Lan với đối tác Việt Nam, PSOM (Chương trình hợp tác với các thị trường mới hình thành) hỗ trợ thực hiện dự án giữa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với đối tác Hà Lan... Các chương trình, dự án được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hà Lan đã đóng góp tích cực trong việc nâng cao năng lực cán bộ các Bộ, ngành và các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hiện Hà Lan đang xây dựng các chương trình mới thay cho các Chương trình cũ đã hết hạn.

​IV/ Trao đổi thương mại: 

Trong những năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hà Lan không ngừng phát triển. Hà Lan là thị trường với số dân không lớn so với nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu, nhưng kim ngạch buôn bán với Việt Nam khá lớn và tăng đều hàng năm. Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng khá, trung bình khoảng 15%/năm.

Thương mại hai chiều tăng 15 lần từ 110 triệu USD (năm 1999) lên gần 1,7 tỉ USD (2007) và hơn 2 tỷ USD (2008), trong đó ta thường xuất siêu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang Hà Lan là giày dép các loại, may mặc, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, hải sản, hàng rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan là sữa và các sản phẩm sữa, tân dược và nguyên phụ liệu dược phẩm, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu, hoá chất, chất dẻo các loại. Nguyên nhân nhập khẩu tăng mạnh do nhập máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ các dự án đầu tư chiếm tới 40% lượng hàng nhập khẩu.

V/ Đầu tư trực tiếp:

Tính đến 24/7/2008, Hà Lan có 94 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,6 tỷ USD, đứng thứ 12 trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 1 trong số 17 nước EU có hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Quy mô bình quân của 1 dự án là 27,7 triệu USD, đây là tỉ lệ cao so với tỉ lệ trung bình của các nước có hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đầu tư trực tiếp của Hà Lan phân theo ngành như sau: Công nghiệp (công nghiệp nặng, dầu khí, công nghiệp nhẹ, thực phẩm, xây dựng) – 46 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 48,9% về số dự án và 78,5% về vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 39 dự án với tổng vốn đăng ký là 379,3 triệu USD, chiếm 41,5% về số dự án và 14,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam như: Tp HCM, bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…Trừ một số dự án dầu khí và bia, thực phẩm, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ.

Nhiều dự án đầu tư hoạt động rất có hiệu quả, với các công ty lớn nổi tiếng như Heineken (bia Heineken, Tiger, Bivina), Unilever (chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (dầu khí – cả khai thác và phân phối), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá dược), Philips (điện tử), ED&F Man (nông sản), Peja Viet Nam (máy móc thiết bị dệt), P&O Nedlloyd (vận chuyển container),  ABN-AMBRO (ngân hàng).

Đến nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa có dự án đầu tư sang Hà Lan.

VI/ Hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước cũng phát triển tốt đẹp. Hà Lan đã giúp ta nhiều dự án, như Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam- Hà Lan​, chương trình học bổng Hà Lan (khoảng 25 học bổng ngắn hạn hàng năm)… Tháng 5/2001, tổ chức Hợp tác Giáo dục quốc tế (NUFFIC) của Hà Lan phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo và triển làm giáo dục sau đại học tại Hà Nội. Tháng 8/2002, Hà Lan quyết định đưa Việt Nam vào danh sách một trong sáu nước được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác về đào tạo đại học (Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á). Chương trình tại Việt Nam có tên gọi: "Tăng cường năng lực thể chế cho giáo dục và đào tạo sau phổ thông (NPT)".

 

                                                                                    (Tháng 02/2009)

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​